Email cuối cùng gửi quý AC từ VN hôm nay em xin ghi lại các di tích lịch sử còn đó được em chụp vào sáng ngày cuối cùng của chuyến đi, Thứ Hai 31.3.2025.
Vâng, sau Thánh lễ cuối cùng vào lúc 5 rưỡi sáng Thứ Hai ngày 31.3.2025 và sau khi cầu nguyện cho dân nước Việt Nam ở trước Công trường Nữ vương Hòa bình Regina Pacis cuối Nhà Thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, em đã mời anh chị em trong phái đoàn cùng em trên đường bộ hành về lại khách sạn ghé thăm một số di tích lich sử quan trọng ở thủ đô Sài Gòn trước 1975, bao gồm Dinh Độc Lập, Toà Đô Chính và Nhà Quốc Hội, cả 3 đều ở gần Nhà Thờ Chính Toà, và cùng với Nhà thờ Chính Toà Sài Gòn đã in đậm dấu ấn lịch sử của thời điểm VN giữa 2 cuộc di cư 1954 và 1975.
Vấn đề ở đây là Dân Việt quốc nội còn đó, Người Việt hải ngoại còn đó và các di tích lịch sử chính yếu ngày xưa vẫn còn đó thì quê hương đất nước vẫn còn đó... một niềm hy vọng vào Đấng làm chủ lịch sử loài người, Đấng sẽ thương ban cho quê hương dân nước Việt Nam công lý và hòa bình vào thời điểm an bài thần linh của Ngài, và bằng cách thức huyền diệu của Ngài như Ngài đã bất ngờ thực hiện ở Đông Âu năm 1989 và Liên sô năm 1991, qua vị giáo hoàng người Ba Lan thuộc khối cộng sản Đông Âu bị ám sát chết hụt ngày 13.5.1981 tại Quảng trường Thánh Phêrô trong Quốc Đô Vatican.
NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN
Cho dù Công giáo là một tôn giáo thiểu số ở VN so với Khổng giáo nhất là Phật giáo nhưng lại có một Nhà Thờ đồ sộ ở ngay thủ đô Sài Gòn. Chưa hết, chính phủ Việt Nam Cộng hòa trong thời gian giữa hai cuộc di cư được phục vụ bởi 2 vị Tổng thống Công giáo là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Đó là lý do Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là di tích tôn giáo, cùng với 3 cơ sở dân sự chính được liệt kê trên đây, liên quan đến một thời lịch sử Việt Nam.
Sau đây là những chi tiết về 4 cơ sở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Tòa Đô Chính và Nhà Quốc Hội, được em nghiên cứu vắn gọn từ Google như thế này:
Cố đạo Lefebvre tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ vào ngày 28 tháng 3 năm 1863. Nhà thờ được dựng bằng gỗ, hoàn thành vào năm 1865, ban đầu gọi là Nhà thờ Saigon....Ngày 7 tháng 10 năm 1877, Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên trước mặt Phó soái Nam Kỳ và đông đủ nhân vật cấp cao thời ấy. Nhà thờ được xây dựng trong 3 năm. Lễ Phục Sinh, ngày 11 tháng 4 năm 1880, nghi thức cung hiến và khánh thành do cố đạo Colombert tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers...
Ngày hôm sau, Hồng y Krikor Bedros XV Aghagianian từ Roma qua Sài Gòn để chủ tọa lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu Toàn Quốc, đã làm phép bức tượng này vào buổi chiều ngày 17 tháng 2 năm 1959. Từ sự kiện này mà từ đó nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn. Ngày 5 tháng 12 năm 1959, Tòa Thánh đã cho phép làm lễ "xức dầu", tôn phong Nhà thờ chính tòa Sài Gòn lên hàng tiểu Vương cung thánh đường (basilique). Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn. Năm 1960, Tòa Thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa Tổng Giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa của vị tổng giám mục Sài Gòn cho đến ngày nay.
DINH ĐỘC LẬP
Dinh Độc Lập trước 1975 ở đầu đường Thống Nhất mà cuối con đường này là Sở Thú và Vườn Bách Thảo
Trong thời gian xây dựng, gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long. Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Đình Diệm bị phe đảo chính ám sát ngày 2 tháng 11 năm 1963. Do vậy, ngày khánh thành dinh, 31 tháng 10 năm 1966, người chủ tọa buổi lễ là Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia. Từ ngày này, Dinh Độc Lập mới xây dựng trở thành nơi ở và làm việc của tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sống ở dinh này từ tháng 10 năm 1967 đến ngày 21 tháng 4 năm 1975. Ngày 8 tháng 4 năm 1975, chiếc máy bay F-5E do phi công Nguyễn Thành Trung lái, xuất phát từ Biên Hòa, đã ném bom Dinh nhằm mục đích ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, gây hư hại không đáng kể.
TÒA ĐÔ CHÍNH SÀI GÒN
Tòa Đô Chánh Sài Gòn ở đầu đường Nguyễn Huệ, con đường biến thành khu chợ hoa vào những ngày trước tết và cũng là con đường đâm thẳng ra Bến Bạch Đằng.
Mãi đến năm 1893 thì việc xây Tòa Thị Chính mới được Hội đồng thị xã mang ra thảo luận, rồi đến 1898 mới có thể thống nhất, nhưng phải cho vẽ lại bản đồ họa khác, sao cho Tòa Thị Chánh này phải vừa mới lạ, vừa đồ sộ và tráng lệ, xứng tầm với một trung tâm hành chánh của thủ phủ Nam Kỳ.
Thеo bài viết của nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang, bản thiết kế của kiến trúc sư Gardès được duyệt và công trình được khởi công năm 1899. Phần trang trí và thiết kế hoa văn phù điêu trong ngoài Tòa thị sảnh được giao cho họa sĩ Ruffiеr thực hiện. Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì xảy ra những bất đồng ý kiến giữa họa sĩ Ruffiеr với các nghị viên Hội đồng thị xã về việc thay đổi vài chi tiết phần thiết kế nội sảnh. Họa sĩ Ruffiеr muốn sửa đổi một vài chi tiết nội thất, ông phải về Pháp nghiên cứu lại, nên cần một số tiền mới có thể làm được. Hội đồng thị xã cũng chấp thuận. Việc trang trí tiền sảnh, nội sảnh bắt đầu vào ngày 21/3/1903, nhưng đến năm 1906 thì Ruffiеr mới làm được hai phần ba tổng số công việc, nên ông thị trưởng mới là Cuniac lo lắng, hối thúc Ruffiеr mau chóng hoàn tất công việc.
Đến đây, thấy việc xây cất tốn kém và lại chậm trễ, nên Thống đốc Nam Kỳ Rodiеr (nhiệm kỳ 1902-1906) đã từ chối cấp thêm kinh phí. Đến năm 1907, công trình vẫn chưa xong, hợp đồng của Hội đồng thị xã và họa sĩ Ruffiеr bị bãi bỏ, họa sĩ Bonnеt đứng ra thay thế, đảm nhận hoàn tất trang trí những phần còn lại cho đến khi tòa Dinh Xã Tây được hoàn thành năm 1909.
Công viên Đống Đa nằm ngay vị trí cắt ngang của 2 đại lộ sầm uất nhất của Sài Gòn, đó là Nguyễn Huệ và Lê Lợi (tên đường thời Pháp là Charner – Bonard), chính giữa là bùng binh Bồn Kèn (còn được gọi là bùng binh Cây Liễu, cũng là bùng binh đầu tiên của Sài Gòn), bên trong bùng binh là đài phun nước rất quen thuộc với người Sài Gòn trước 1975.
Xung quanh Bùng Binh này là những công trình đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn, như là thương xá EDEN, kề bên công trường Lam Sơn đằng trước Opera House, bên cạnh đó là Phòng Thông Tin nối liền với trụ sở hãng SEIC (Société d’Exploitation Industrielle et Commerciale), còn có tên là Saigon Garage. Sau này Saigon Garage không còn, thay thế vào đó là văn phòng chi nhánh của Sài gòn Ngân hàng. Phía đối diện bên kia đường là Thương xá TAX.
Thời VNCH, tòa nhà được gọi là Tòa Đô Chánh, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô.
TÒA NHÀ QUỐC HỘI
Tòa Nhà Quốc Hội ở đầu đường Lê Lợi và đằng sau là đường Hai Bà Trưng, và đường Lê Lợi băng ngang qua đường Nguyễn Huệ rồi kéo dài xuống Chợ Bến Thành.
Đệ Nhất Cộng hòa (1955 - 1963)
Thời kỳ quân quản (1963 - 1967)
Từ năm 1963 cho đến khi tái lập chính phủ dân sự, Việt Nam Cộng hòa không có quốc hội. Các tướng lãnh lên nắm quyền có lập một số cơ chế để chiêu tập đóng góp của thành phần dân sự nhưng không có tổng tuyển cử ở cấp quốc gia.
Đệ Nhị Cộng hòa (1967 - 1975)
Quốc hội lập hiến 1966
Quốc hội đầu tiên sau khi kết thúc nền Đệ Nhất Cộng hòa là Quốc hội lập hiến, nhóm họp để soạn bản hiến pháp mới cho chính thể dân sự tiếp thu quyền hành chánh từ tay các tướng lãnh. Có 532 ứng cử viên ra tranh cử để chiếm lấy 117 ghế trong cuộc tuyển cử ngày 11 Tháng 9,[2] 1966[3] Tổng cộng là 4.274.872 người đi bỏ phiếu, chiếm 80,8% cử tri ghi danh.[4] Khoảng sáu tháng sau thì đúc kết bộ luật căn bản để ra tuyên cáo ngày 18 Tháng 3, 1967, tức Hiến pháp 1967.[5] Ngày 1 Tháng 4, 1967 Hiến pháp mới được ban hành.[2]
Tuyển cử năm 1967
Cuộc Tuyển cử năm 1967 bầu lên quốc hội chính quy và quốc hội lập hiến 1966 mới giải tán. Sau đó Quốc hội của Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ của Chương III của bản hiến pháp đó. Khác với nền Đệ Nhất Cộng hòa, Quốc hội lần này chia thành hai viện: Thượng viện và Hạ viện.
Thượng viện
Thượng viện có 60 đại biểu, gọi là "nghị sĩ" do người dân đầu phiếu theo liên danh với nhiệm kỳ sáu năm. Mỗi liên danh là 10 người nên Thượng viện là sáu liên danh được nhiều phiếu nhất. Khác với dân biểu bên Hạ viện vốn phụ thuộc vào một địa phương, liên danh nghị sĩ là đại diện toàn quốc. Trụ sở Thượng viện là Hội trường Diên Hồng.[6] Tòa nhà này năm 2000 được dùng làm Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Thượng viện cuối cùng trước khi Việt Nam Cộng hòa tan vỡ gồm hai nhóm. Một nhóm thuộc nhiệm kỳ bầu lên năm 1970. Phân nửa kia thuộc nhiệm kỳ bầu lên năm 1973, tức là mỗi ba năm thì 30 trong 60 ghế Thượng viện phải ra tranh cử. Thượng viện có 11 ủy ban thường trực.
Tính đến năm 1974 Thượng viện có năm khối:[7]
Thượng viện Việt Nam Cộng hòa thập niên 1974 theo khối
-
Khối Dân chủ, 22 nghị sĩ, thân chính phủ
-
Khối Thống nhất, 17 nghị sĩ
-
Khối Bông Huệ, 8 nghị sĩ, đối lập với chính phủ
-
Khối Hoa Sen, 7 nghị sĩ, đối lập với chính phủ
-
Khối không liên kết, 6 nghị sĩ
Hạ viện
Hạ viện khóa đầu tiên (1967-1971) có 137 đại biểu,[8] gọi là "dân biểu" do người dân trực tiếp đầu phiếu căn cứ theo từng địa phương. Đến khóa 2 (1971-1975) thì tăng lên thành 159 dân biểu.[9] Tính đến năm 1974 thì cứ 50.000 cử tri thì có một dân biểu. Nhiệm kỳ dân biểu là bốn năm. Các dân biểu được phân bổ làm việc trong 18 ủy ban thường trực. Trụ sở Hạ viện là nhà Quốc hội ở Công trường Lam Sơn,[10] sau năm 1975 là Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.
Hạ viện cuối cùng trước khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, được bầu lên vào Tháng Tám năm 1971, tức khóa 2. Kỳ tuyển cử kế tiếp đáng ra sẽ diễn ra vào năm 1975.
-
Khối Cộng hòa, 50 dân biểu, thân chính phủ
-
Khối Độc lập, 39 dân biểu
-
Khối Dân tộc Xã hội, 27 dân biểu, đối lập với chính phủ dưới lãnh tụ luật sư Trần Văn Tuyên
-
Khối Quốc gia, 9 dân biểu
-
Khối Dân quyền, 16 dân biểu
-
Khối không liên kết.
Hoạt động
Năm 1972 khi quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vượt vĩ tuyến 17 mở cuộc tấn công Quảng Trị, vào Mùa hè đỏ lửa, Quốc hội thông qua "Luật Ủy quyền" để Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rộng quyền ứng phó với tình hình quân sự. Trong trường hợp đó Tổng thống có quyền điều hành quốc sự bằng sắc luật mà không cần thông qua quốc hội.[12]
Trong một sự kiện cuối cùng của Quốc hội Việt Nam Cộng hòa là vào ngày 27 Tháng 4, 1975, khi lực lượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tiến vào cửa ngỏ thủ đô Sài Gòn, lưỡng viện Thượng và Hạ viện thông qua nghị quyết chấp nhận việc Tổng thống Trần Văn Hương trao quyền tổng thống cho bất cứ ai do ông chỉ định. Sự việc này diễn ra trước áp lực của đối phương vì quân Giải phóng không chấp nhận điều đình với chính phủ của Tổng thống Trần Văn Hương. Theo luật pháp thì đây là hành động vi hiến vì không chiếu theo Hiến pháp nền Đệ Nhị Cộng hòa. Tuy nhiên các nghị sĩ đành phải "vi hiến để cứu nước".[13] Trần Văn Hương sau đó chuyển quyền cho Dương Văn Minh nhưng rút cuộc đối phương cũng không chấp nhận, và giải pháp chính trị cho cuộc chiến rơi vào tuyệt vọng.
Từ năm 1967 đến 1975, miền Nam từng có một Quốc Hội với lưỡng viện riêng biệt: Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện. Trụ sở Hạ Nghị Viện của Sài Gòn xưa, ngày nay là Nhà Hát Thành Phố, còn trụ sở Thượng Nghị Viện hiện nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TpHCM nằm trên đường Võ Văn Kiệt (trước đây là đường Bến Chương Dương). Quốc hội lưỡng viện là hình thức lập pháp trong đó các nhà lập pháp phân ra thành hai hội đồng phân biệt nhau: Thượng viện và Hạ viện. Bài viết này sẽ tìm hiểu rõ hơn về 2 toà nhà Quốc Hội rất đẹp ở Sài Gòn được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Có một thực tế rằng chính quyền VNCH đã sử dụng 2 toà nhà nghị viện này không đúng với chức năng ban đầu khi xây dựng, và hiện nay chính quyền mới đã đưa 2 toà nhà trở về đúng với mục đích ban đầu của nó.
Trụ sở Hạ Nghị Viện khởi đầu là 1 nhà hát đầu tiên của miền Nam, sau năm 1955 bị chuyển thành trụ sở Quốc Hội, từ năm 1967 chuyển thành trụ sở Hạ Nghị Viện. Đến sau năm 1976, toà nhà này mới được trả lại đúng công năng là một nhà hát. Trụ sở Thượng Nghị Viện được chính quyền Pháp xây dựng với chức năng là một phòng Thương Mại của Pháp ở Đông Dương. Đến năm 1955, toà nhà này bị chuyển thành phòng Hội Nghị, đến năm 1967 chuyển thành trụ sở Thượng Nghị Viện. Sau 1975, nơi này được chuyển về đúng công năng là phục vụ cho những hoạt động thương mại.

BẾN BẠCH ĐẰNG VÀ TƯỢNG ĐÀI ĐỨC TRẦN HƯNG ĐẠO
Bến Bạch Đằng dài khoảng 1,3 km, nằm trên đường Tôn Đức Thắng hướng ra sông Sài Gòn, kéo dài từ cầu Khánh Hội đến nhà máy Ba Son.
Tên gọi Bến Bạch Đằng được hình thành nhằm ghi dấu sự kiện 3 lần chiến thắng quân xâm lược của nhân dân ta trên sông Bạch Đằng vào các năm 938 (Chiến thắng Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán); năm 981 (Chiến thắng Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược); năm 1288 (chiến công của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trước quân Nguyên Mông).
Công trường Mê Linh được biết đến là một vòng xoay giao thông nằm tại trung tâm Q.1, nơi đây giao nhau với 6 cung đường lớn tại Sài Gòn và nằm gần công viên Bến Bạch Đằng. Công trường này được xây theo hình bán nguyệt và được phủ rất nhiều cây xanh và hoa lá xung quanh và ở giữa công trường là một hồ nước nhân tạo cùng một tòa tháp cao đặt tượng của tướng Trần Hưng Đạo từ trước năm 75 và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Ở đoạn giữa bến, nổi bật là tượng đài Trần Hưng Đạo nằm ở công trường Mê Linh hình bán nguyệt, là nơi giao thoa 6 tuyến đường: Tôn Đức Thắng, Thi Sách, Hai Bà Trưng, Phan Văn Đạt, Hồ Huấn Nghiệp và Ngô Đức Kế. Thời Pháp thuộc, công trường này tên gọi là Rigault de Genouilly - đô đốc thủy quân người Pháp, từng là Thống đốc Nam Kỳ. Tượng đô đốc thủy quân sau này được đặt tại đây sau khi ông qua đời.
Năm 1962, bức tượng Hai Bà Trưng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ và điêu khắc Nguyễn Văn Thế thực hiện, đã thay thế tượng Rigault de Genouilly. Tượng Hai Bà (cách gọi của người miền Nam trước năm 1975) được dựng trên một bệ cao ba chân, phía trước là đầu và vòi voi, tiếp nữa là hai chân voi, được giới điêu khắc đánh giá đặc sắc, mới mẻ.
Sau này, công trường Mê Linh được giao cho hải quân Việt Nam Cộng Hòa nên đổi tên thành Bạch Đằng. Năm 1967, phía hải quân kết hợp Hội Đức Thánh Trần tổ chức cuộc thi tạc tượng Trần Hưng Đạo thay tượng Hai Bà Trưng. Đồ án thắng cuộc là tác phẩm đầu tay của Phạm Thông - người mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Sài Gòn.
Mẫu tượng Hưng Đạo Đại Vương do Phạm Thông thiết kế cao 6 m, đứng trên bục tam giác cao gần 10 m, trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, tay kia chỉ xuống sông, nói: "Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa". Hình ảnh oai hùng, bất khuất này đã thuyết phục được ban chấm giải.
Ngoài những công trình đặc sắc kể trên, bến Bạch Đằng còn thu hút tàu bè ra vào, nhiều cây xanh, nhà hàng nổi tiếng... nên được người dân lui tới tập thể dục, tản bộ, đạp xe trên vỉa hè. Đây cũng là nơi hẹn hò lý tưởng của những đôi tình nhân. Chiều về, các cặp đôi hẹn nhau ra các quán dọc bờ sông vừa tâm sự vừa ngắm nhìn dòng sông Sài Gòn thơ mộng.
Cũng vì vẻ đẹp của bến, nhạc sĩ Y Vân trong bài hát "Sài Gòn đẹp lắm" có câu "Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay...". Dù không nhắc đến cụ thể bến nào nhưng nhiều người cho rằng đó là bến Bạch Đằng, nơi được coi là bến sông nhộn nhịp, đẹp nhất Sài Gòn.

Đúng là LTXC an bài, chuyến Hành hương Thánh Mẫu Thừa Sai Bác Ái Xuyên Việt Năm Thánh 2025 xảy ra trước biến cố Tháng 4 đen 50 năm 1 tháng ở Bến Bạch Đằng tối 30.3.2025, nơi có tượng đài Đức Trần Hưng Đạo (1228 - 1300), vị anh hùng dân tộc đã oanh liệt chiến thắng quân Mông Cổ 3 lần (1258, 1285 và 1287), một đế quốc trong thế kỷ 13 và 14 (1206 - 1368) đã từng chinh phục Âu Châu..., trải dài 9.700 km hay 6 ngàn miles, từ Đông Âu đến biển Nhật Bản, bao gồm cả Trung Đông phía nam và Siberia phía bắc.
Nhóm TĐCTT đã có dự định và phổ biến về chuyến Hành trình Truyền giáo Văn hóa Liên Tôn ở Mông Cổ 9.2026, theo vết chân của vị Giáo Hoàng của những gì là ngoại biên về cả địa dư lẫn nhân bản cùng nhân sinh và nhân quyền, vì ngài là vị Giáo Hoàng được LTXC tuyển chọn "từ tận cùng trái đất" (lời ngài ngỏ cùng chung thế giới và riêng Giáo Hội ngày được bầu làm Giáo Hoàng 13.3.2013).
Xin mời quý AC theo dõi tiếp chuyến Hành hương Thánh Mẫu Thừa sai Bác ái Xuyên Việt Năm Thánh 2025
với video thứ 2, do Anh Bùi Hồng Việt / Bùi Hiển thực hiện, về ngày tham quan và du ngoạn Sapa 14/3 ở cái link sau đây: